(Thanhuytphcm.vn) – Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh là một chủ trương sáng tạo của Đảng bộ TPHCM trong giai đoạn hiện nay, không chỉ đáp ứng mong muốn của người dân mà còn nhằm thông qua đó làm cho việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành nếp sống, đặc trưng văn hóa của đảng viên và nhân dân thành phố. Với phạm vi khá rộng, tính chất khá toàn diện, việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh sẽ góp phần tích cực vào việc xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Do đó, việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh phải đảm bảo nguyên tắc là công trình thể hiện ý chí, nguyện vọng của Đảng bộ và nhân dân thành phố với những ý nghĩa thực tiễn, đem lại những giá trị cụ thể cho người dân, chứ không phải chỉ là các hoạt động đơn thuần mang tính biểu tượng hoặc chỉ chú trọng hình thức. Chẳng hạn, công tác quy hoạch, xây dựng không gian văn hóa phải hài hòa với cảnh quan đô thị hiện hữu, đồng thời góp phần kết nối và nâng giá trị các công trình đã có; các công trình, thiết chế, hoạt động văn hóa, văn nghệ phải mang dấu ấn đặc trưng của nơi lưu giữ, bảo tồn, duy trì các hoạt động văn hóa tinh thần của nhân dân thành phố theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Các thiết chế, công trình phải đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả và khả thi, đáp ứng yêu cầu sinh hoạt, vui chơi, giải trí và các nhu cầu khác của người dân thành phố nói riêng, của người dân cả nước và bạn bè quốc tế nói chung. Tức là, không gian văn hóa Hồ Chí Minh không phải là một cái mác gắn vào một công trình nào đó để báo cáo với cấp trên, để làm truyền thông mà phải nhằm vào việc phục vụ các mục đích cụ thể, trong mục đích chung là phục vụ nhân dân.
Các cơ quan, đơn vị cần khắc phục hiện tượng xây dựng các công trình được cho là không gian văn hóa Hồ Chí Minh nhưng không có giá trị thiết thực, chỉ để trưng bày hoặc “cho giống với nơi khác”. Chẳng hạn, phải tránh việc dành ra một gian thờ Bác Hồ nhưng bố trí thiếu trang nghiêm, không thể hiện được tình cảm sâu sắc của cán bộ, đảng viên đối với Bác, không thường xuyên thực hiện việc dâng hương hoặc có thờ Bác nhưng lời nói và hành động thì không học Bác… Hoặc tránh việc bố trí góc trưng bày sách về Bác Hồ nhưng không tạo điều kiện để mọi người có thể đọc, không thường xuyên bổ sung sách mới, việc bài trí không khoa học, thiếu thẩm mỹ…
Như vậy, không gian văn hóa Hồ Chí Minh không chỉ là những công trình kiến trúc ngoài không gian công cộng, một góc trưng bày trong khuôn viên cơ quan hay những tác phẩm văn học nghệ thuật, câu khẩu hiệu tuyên truyền, mà còn là tổng hòa nhiều yếu tố từ lối sống, phong cách, ứng xử, sự nghĩa tình, hướng đến hình thành lối sống cao đẹp, đầy nhân nghĩa nơi con người thành phố, mang đậm chất văn hóa Hồ Chí Minh. Và cũng theo cách tiếp cận đó, không gian văn hóa Hồ Chí Minh không phải là một phong trào, không thể thực hiện theo các đợt, theo chỉ đạo mà phải được thực hiện thường xuyên, với tính ổn định, bền vững.
Ở một góc tiếp cận khác, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một nhiệm vụ lâu dài, không phải trong một vài nhiệm kỳ, bởi giá trị của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thực sự vượt thời gian, phù hợp với không chỉ giai đoạn hiện nay mà còn đến mai sau. Tương tự như vậy, việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh cũng không phải là công việc của vài năm hay vài nhiệm kỳ mà là một nhu cầu, một công việc mang tính dài lâu, bởi kết quả của nó không chỉ theo mục tiêu cụ thể mà còn liên tục phát triển, khi mục tiêu này hoàn thành thì cần tiếp tục có mục tiêu khác thay thế. Chẳng hạn, ở một địa phương, trong việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh, đã đề ra tiêu chí về giảm nghèo, về giảm tội phạm, về tăng mức sống của người dân, về tăng tỷ lệ giải quyết hồ sơ trực tuyến… thì sau mỗi năm có thể cần điều chỉnh các chỉ tiêu đó cho phù hợp với điều kiện thực tế. Cứ như thế, học tập Bác Hồ với tinh thần “việc gì có lợi cho dân thì cố gắng làm, việc gì có hại cho dân thì cố gắng tránh” sẽ không có điểm dừng.
Không chỉ vậy, không gian văn hóa Hồ Chí Minh dù được xác định ở TPHCM thì cũng cần hiểu là ở tất cả các địa phương, các cơ quan của thành phố, nên tất cả cùng thực hiện và không phải chỉ thực hiện trong một giai đoạn nhất định. Đã có nhiều ý kiến cho rằng, nếu chỉ xây dựng không gian văn hóa trong trường học, tại các cơ quan, các chi bộ hoặc các doanh nghiệp thì dễ dẫn đến tình trạng xây dựng một không gian văn hóa cụ thể xong nhưng người dân không được hưởng thụ thì tính lan tỏa rất khó. Do đó, cần tập trung xây dựng không gian văn hóa ở các khu phố, khu dân cư để người dân dễ tiếp cận, dễ tham gia và đương nhiên sẽ được thụ hưởng một cách cụ thể, trực tiếp. Điều này có nghĩa rằng, xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh là để phục vụ các nhu cầu của nhân dân vì nhu cầu đó không bao giờ dừng lại nên việc thực hiện cũng sẽ không bao giờ dừng lại, có chăng là cách chúng ta gọi tên các hoạt động đó mà thôi.
Với ý nghĩa thiết thực, đồng thời phải bền vững, lâu dài, các cơ quan, đơn vị phải tránh việc chạy theo phong trào trong việc xây dựng các công trình, tổ chức các hoạt động. Một không gian trưng bày sách, tài liệu về Bác Hồ không phải chỉ bố trí trong năm 2022 khi cả thành phố đang triển khai xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh mà phải bố trí trong nhiều năm, hoặc có thể thay đổi hình thức, cách tổ chức sao cho phù hợp, như chuyển từ một góc nào đó thành một gian phòng, một khu vực hoặc chuyển từ không gian cụ thể thành không gian trên mạng internet… Ngay cả vật liệu để thực hiện các không gian văn hóa vật thể cũng phải bảo đảm chắc chắn, lâu bền chứ không thể mỗi năm mỗi thay thế hoặc bố trí lại… Có như vậy thì tính thiết thực, bền vững của việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh mới được thể hiện rõ nét, hiệu quả mới được lâu dài, mới thu hút và thuyết phục được nhân dân.
Nguồn: hcmcpv.org.vn