Xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” là một trong những nội dung cốt lõi của Đề án “Chiến lược phát triển ngành Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2035”
Đại hội Đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI xác định: “Thông qua xây dựng thành phố thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh làm cho việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành nếp sống, đặc trưng văn hóa của đảng viên và Nhân dân thành phố.
Không gian văn hóa Hồ Chí Minh là một quyết sách độc đáo của Đảng bộ Thành phố |
Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ XI đã nêu rõ: “Không gian văn hoá Hồ Chí Minh là nơi tư tưởng, đạo đức, phong cách và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hiện hữu thường xuyên, trở thành tài sản tinh thần, giá trị văn hóa đặc trưng của người dân, cán bộ, đảng viên của thành phố mang tên Bác”.
Chất liệu để xây dựng Không gian văn hoá Hồ Chí Minh, hiện có hai cơ sở văn hóa đặc biệt gắn với Bác là Bến Nhà Rồng (nay là Bảo tàng Hồ Chí Minh – chi nhánh TPHCM) và Nhà số 5 đường Châu Văn Liêm (Quận 5) được xếp loại di tích cấp thành phố và cấp quốc gia.
Bến Nhà rồng. |
PGS.TS Đỗ Ngọc Anh, Trường Đại học Văn hóa TPHCM cho rằng không gian văn hóa Hồ Chí Minh không chỉ là một bức tượng ngoài không gian công cộng hay vài ba tác phẩm văn học nghệ thuật… mà còn tổng hòa nhiều yếu tố, hướng đến hình thành lối sống nơi con người TPHCM, mang đậm chất văn hóa Hồ Chí Minh…
Đó còn là những kỷ vật, những câu chuyện đã được nâng niu cất giữ bởi những con người đang sống ở thành phố, ở miền Nam mà trong cuộc đời mình đã có vinh dự được gặp Bác trong chiến đấu và công tác. Đó là những tượng đài mỹ thuật, những bích họa, những nhạc phẩm, những vần thơ… đã được giới văn nghệ sĩ khắc họa bằng tình yêu đối với Bác. Đó là những công trình “Việc tốt” trong tham gia các sinh hoạt chính trị theo tinh thần chỉ đạo của Đảng trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh…
Năm 1910, Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi đó mang tên Nguyễn Tất Thành, đến Sài Gòn và lưu trú tại căn nhà số 1-2-3 Bến Testard (nay là đường Châu Văn Liêm, quận 5) từ tháng 9/1910 đến tháng 6/1911. Trong ba căn nhà đó có một căn được giữ lại làm di tích lưu niệm, tọa lạc số 5, Châu Văn Liêm. |
Nhằm phát triển Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, nhiều chuyên gia về văn hóa cho rằng, Thành phố cần đánh giá hiện trạng cơ sở vật chất, bộ máy quản lý văn hóa, sự phát triển các lĩnh vực văn hóa để có chính sách đột phá cho từng lĩnh vực theo chiến lược ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Bên cạnh đó, khi thông tin đề án chiến lược được thông qua, nhiều đơn vị, cá nhân hoạt động trong ngành Văn hóa vui mừng, bởi đây là một trong những bước tạo tiền đề cho các thiết chế văn hóa được chú ý, phát triển hơn, giúp ngành Văn hóa tiếp tục có những bước chuyển mình đáng kể.
Điều quan trọng hơn cả là Thành phố Hồ Chí Minh phải có định hướng rõ ràng, cụ thể, mang tính chiều sâu, chiến lược, lâu dài, trong xây dựng và phát triển Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, tạo nên những địa điểm thưởng thức văn hóa nghệ thuật miễn phí, thường xuyên, cố định, phục vụ cộng đồng.