Ngày 14-9 ghi dấu lời dạy rất ý nghĩa của Bác Hồ về Tổ quốc, đất, nước và nhân dân, về sức mạnh của nhân dân. Đây cũng là ngày mà năm 1970, Báo Quân đội nhân dân đăng trên trang nhất câu nói của Người, nay đã trở thành câu khái quát chức năng, nhiệm vụ của Quân đội ta: Đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất.
Lời Bác dạy ngày này năm xưa
Ngày 14-9-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với Hội nghị thủy lợi toàn miền Bắc họp tại xã Hiên Vân, huyện Tiên Du. Bài nói chuyện có đoạn:
Trước hết, Bác hỏi thǎm sức khoẻ các chú và mong các chú làm việc ở Hội nghị cho tốt.
Các chú đều biết Việt Nam ta có hai tiếng Tổ quốc, ta cũng gọi Tổ quốc là đất nước; có đất và có nước, thì mới thành Tổ quốc. Có đất lại có nước thì dân giàu, nước mạnh.
Nước cũng có thể làm lợi nhưng cũng có thể làm hại, nhiều nước quá thì úng, lụt, ít nước quá thì hạn hán.
Nhiệm vụ của chúng ta là làm cho đất với nước điều hoà với nhau để nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Vậy ta phải làm sao cho dân có đủ nước để tǎng gia sản xuất.
Muốn làm được như thế có phải chỉ Bác và các chú đứng ra làm mà được không? Không được!
Ai làm cách mạng? Nhân dân!
Ai kháng chiến thắng lợi? Toàn dân. Vậy thì bây giờ muốn có đủ nước, muốn điều hoà nước thì cũng phải toàn dân làm thuỷ lợi. Muốn thế, cán bộ phải đi đúng đường lối quần chúng, dựa vào nhân dân; trước hết phải tin tưởng lực lượng và trí tuệ của nhân dân là vô cùng vô tận. Tuyên truyền, giáo dục, đoàn kết, tổ chức được trí tuệ và lực lượng đó thì việc gì khó mấy cũng làm được.
(Sách Những lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1960, t.V, tr.260-262).
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với Hội nghị thủy lợi toàn miền Bắc họp tại xã Hiên Vân, huyện Tiên Du, ngày 14-9-1959. Ảnh: dangcongsan.vn |
Lời dạy của Bác tuy ngắn gọn nhưng mang tính giáo dục sâu sắc, khẳng định trên mọi mặt công tác đều luôn phải biết lấy dân làm gốc, tin ở dân, gần gũi với dân, biết dựa vào dân vì dù việc gì “Dễ mười lần không dân cũng chịu/ Khó trăm lần dân liệu cũng xong”. (Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011).
Trong suốt hơn 90 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn phát huy tối đa vai trò của quần chúng nhân dân, trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm lấy dân làm gốc; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chính quần chúng nhân dân là lực lượng cách mạng đông đảo nhất, trực tiếp thực hiện mọi đường lối cách mạng, biến đường lối cách mạng của Đảng thành hiện thực. Chỉ có dựa vào dân, phát huy sức mạnh của nhân dân mới có thể vượt qua mọi khó khăn, thử thách, xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên. Những thành tựu mà nước ta đạt được trong hơn 30 năm thực hiện đổi mới là minh chứng rõ ràng cho sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng cũng như sức mạnh to lớn của quần chúng nhân dân.
Ngày 25-9-1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm các chiến sĩ lực lượng phòng không bảo vệ Thủ đô. Ảnh: hochiminh.vn |
Thắm tình quân dân. Ảnh: qdnd.vn |
Khắc sâu lời Bác dạy, trong hơn 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân đội ta luôn chú trọng tăng cường tình đoàn kết quân dân, coi đó là một trong những nguồn gốc quan trọng để củng cố, tăng cường sức mạnh của quân đội. Mọi chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ huy phải xuất phát từ lợi ích của nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cơ quan, đơn vị và nguyện vọng của quần chúng nhân dân. Mặt khác, cấp ủy, chỉ huy các cấp cũng luôn quan tâm, chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội, thương yêu, tôn trọng bộ đội. Xây dựng mối quan hệ cán-binh đoàn kết trở thành bản chất, truyền thống tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ; là một trong những cơ sở tạo nên sức mạnh của quân đội, vượt lên mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Theo dấu chân Người
Ngày 14-9-1940, Nguyễn Ái Quốc lúc này mang bí danh là Hồ Quang đang hoạt động tại Trung Quốc, tặng một người bạn cùng đơn vị tên là Phương Sĩ Tân, 4 chữ Hán: “Hữu Chí Cánh Thành” (Có chí thì nên).
Tháng 9-1946, tại tòa thị chính ở Paris, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố quyết tâm của toàn dân tộc Việt Nam nhất định không bao giờ chịu làm nô lệ một lần nữa. Ảnh: hochiminh.vn |
Ngày 14-9-1946, trước ngày lên đường rời Pari, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến gặp Bộ trưởng Marius Moutet (Mariuýt Mutờ) để tiếp tục thương lượng mong cứu vãn sự đổ vỡ sau khi Hội nghị Fontainebleau (Phôngtennơblô) không thành. Cuộc thảo luận từ 17 giờ kéo dài đến nửa đêm và lúc 0 giờ 30 phút ngày 15-9, hai bên đã ký kết được một văn kiện. Trong bức điện cấp tốc gửi về nước, Bác viết: “Bản thoả hiệp tạm thời (Modus vivendi) đã ký ngày 14-9 với Chính phủ Pháp. Bản sao sẽ gửi về bằng máy bay. Gửi lời chào thân ái Cụ Huỳnh, các nhân viên trong Chính phủ, Quốc hội và đồng bào toàn quốc”. Đây là một thành công ngoại giao, nhờ đó Việt Nam vừa tỏ được thiện chí hòa bình, lại có thời gian để chuẩn bị thêm lực lượng một khi bắt buộc phải tiến hành cuộc chiến tranh vệ quốc.
Ngày 14-9-1952, tại Hội nghị Cán bộ liên minh nhân dân Việt – Lào, Bác nói: “Việt Nam đoàn kết chặt chẽ. Lào đoàn kết chặt chẽ, Miên (Campuchia) đoàn kết chặt chẽ… Đoàn kết ở đây là đoàn kết trong tinh thần, đoàn kết trong hành động, đoàn kết trong đấu tranh, chứ không phải đoàn kết ngoài miệng”. (Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, NXB Chính trị quốc gia-Sự thật, 2010)
Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân ngày 14-9-1970 đăng trang trọng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh với toàn quân: “Toàn quân phải đoàn kết phấn đấu, quyết tâm xây dựng quân đội ta thành một quân đội hùng mạnh, sẵn sàng chiến đấu, học tập giỏi, công tác giỏi, sản xuất giỏi”.
Đây chính là câu trích trong bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị cao cấp toàn quân từ ngày 20-3-1958. Từ lời căn dặn này, ngày nay đã phát triển thành câu nói khái quát toàn bộ chức năng nhiệm vụ hoạt động cơ bản của Quân đội ta: “Quân đội ta là đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất”.
Một số sự kiện trong nước và quốc tế diễn ra ngày 14-9
Sự kiện trong nước:
Ngày 14-9-1961: Thành lập Bệnh viện 19-8 (Bộ Công an).
Ngày 14-9-1998, thành lập Bộ tư lệnh (BTL) Vùng Cảnh sát biển 1 và Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4. Trải qua hơn 20 năm xây dựng và phát triển, cán bộ, chiến sĩ Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 và Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 luôn quán triệt và chấp hành nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của các cấp về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo; phát huy truyền thống cảnh sát biển Việt Nam “Kiên quyết dũng cảm, khắc phục khó khăn, đoàn kết hiệp đồng, giữ nghiêm pháp luật”, quyết tâm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, như: thực hiện chức năng thực thi pháp luật trên biển; đấu tranh phòng, chống các loại vi phạm, tội phạm trên biển và tham gia nhiệm vụ tìm kiếm, cứu hộ – cứu nạn giúp nhân dân yên tâm vươn khơi bám biển; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, giữ vững an ninh, trật tự trên vùng biển, đảo phía Đông Bắc và Tây Nam của Tổ quốc.
Sự kiện quốc tế:
Ngày 14-9-2018: Khánh thành tượng Bác Hồ tại Mexico.
Ngày 14-9-1960: Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) được thành lập ở Baghdad, Iraq.
Ngày 14-09-1959, tàu vũ trụ Luna-2 của Liên Xô hạ cánh xuống Mặt trăng. Đây là tàu vũ trụ đầu tiên trên thế giới đến được Mặt Trăng.
Ngày 14-9-1901: Theodore Roosevelt trở thành Tổng thống thứ 26 của Mỹ, là người trẻ nhất nhậm chức ở tuổi 42, tám ngày sau khi Tổng thống William McKinley bị ám sát.
Ngày 14-9-1867: Tập 1 Bộ sách “Tư bản” của Karl Marx được xuất bản tại Anh.